Đại gia di động đau đầu vì chiêu miễn phí gọi nội mạng
(VnExpress) – Hai mạng di động mới là Vietnamobile và Beeline đang làm đại gia di động như Viettel, MobiFone, VinaPhone đau đầu vì chiêu miễn phí gọi nội mạng. Người tiêu dùng thì vui mừng ra mặt.
“Lần đầu tiên đã xuất hiện một doanh nghiệp cạnh tranh với mức giá cước bằng 0. Điều này cảnh báo Viettel về một cuộc đại chiến tranh về giá đang đến gần”, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel) lo ngại.
Theo nhận định của Viettel, nếu như Beeline tiếp tục thực hiện chiến lược về giá nội mạng bằng 0 như hiện tại, doanh thu không chỉ của Viettel mà của tất cả các mạng di động lớn đều bị ảnh hưởng cỡ 20%. Giám đốc Công ty VMS – MobiFone – Lê Ngọc Minh cũng có nhận xét tương tự về việc Beeline cung cấp ra thị trường với gói cước Zero (gần như miễn phí gọi nội mạng).
Lãnh đạo của Viettel, MobiFone, VinaPhone đều gọi việc cung cấp các gói cước gần như miễn phí gọi nội mạng (không chỉ của Beeline mà cả Vietnamobile) là hành vi có khả năng làm phá vỡ cấu trúc thị trường. Một doanh nghiệp mới tham gia thị trường chưa có gì để mất sẽ là đối thủ khó “nhằn” nhất với các nhà khai thác đã có khách hàng và thị phần nhất định. Vietnamobile và Beeline có chiến lược tập trung vào thị trường “ngon ăn” như các thành phố lớn, trong khi doanh nghiệp khác lại phải làm thêm phần công ích là đưa sóng về vùng sâu vùng xa, hải đảo miền núi.
Lãnh đạo của một mạng di động lớn bình luận: “Các doanh nghiệp lớn như Viettel, VNPT với doanh thu hàng chục nghìn tỷ đồng mới dễ bị tổn thương trong cuộc cạnh tranh đại hạ giá. Các doanh nghiệp mới với quy mô nhỏ, đầu tư nhỏ tuy không có gì nhưng lại có mọi thứ để thắng trong cạnh tranh”.
Chuyện các ông lớn lo ngại và kêu cứu khi lính mới gia nhập thị trường nghe qua có vẻ ngược đời. Song nó là việc tất yếu, bởi doanh nghiệp nhỏ mới ra đời, dung lượng mạng thì lớn mà không có khách hàng nào, nếu không miễn phí gọi nội mạng cũng chẳng có doanh thu. Vì thế, miễn phí nội mạng là cách thức duy nhất để cạnh tranh vừa tận dụng được năng lực của mạng, vừa thu hút được khách hàng mà lại không phải bỏ thêm chi phí như khuyến mại. Nếu 3 doanh nghiệp đại gia gồm VinaPhone, MobiFone và Viettel có trong tay gần 80 triệu thuê bao chấp nhận giảm lợi nhuận để ra gói cước tương tự thì chắc chắn một Beeline chứ 10 Beeline cũng không phải là đối thủ đáng gờm.
Còn đối với không ít người tiêu dùng, các mạng di động mới như Vietnamobile, Beeline đang là sự lựa chọn thứ 2 khi mua sim dùng thay thẻ cào. Thủy, sinh viên Đại học quốc gia Hà Nội nhận xét: “Giá của Beeline thấp hơn giá của Viettel, MobiFone, VinaPhone là hơn 30%, cộng với việc khuyến mại nhiều hơn 20.000 đồng mỗi sim nên dùng Beeline cực tiết kiệm (sim mới kích hoạt của MobiFone, Viettel, đều có tài khoản ban đầu là 100.000 đồng trong khi của Beeline là 120.000 đồng)”.
Nguyễn Tuấn Hải, nhân viên một công ty xuất nhập khẩu tại Hà Nội thì cho biết: “Mình và người yêu mua một cặp sim Beeline để buôn, không mất tiền, gọi cũng rẻ hơn nhiều. Nếu đi tỉnh khác thì đã có cái MobiFone rồi”.
Trần Văn Tuấn – nhân viên một công ty tin học cho rằng: “Các ông di động lớn “ăn đủ” rồi, lãi hàng nghìn tỷ đồng, tỷ suất lợi nhuận cực lớn, khi mạng mới ra đời giá cước giảm làm doanh thu lợi nhuận của họ giảm nên họ kêu la ầm ĩ thôi. Điều này thực không công bằng với người sử dụng”.
Trả lời về chiêu miễn phí nội mạng độc chiêu của Beeline, ông Alexey Blyumin – Tổng giám đốc GTEL Mobile (đơn vị kinh doanh mạng di động Beeline tại Việt Nam) nói: “Sự canh tranh của thị trường viễn thông Việt Nam là rất khốc liệt, nhưng tập đoàn VimpelCom, đối tác của GTEL Mobile đã từng phải đối mặt với những thị trường cạnh tranh hơn rất nhiều nhưng chúng tôi vẫn thành công và có được rất nhiều kinh nghiệm từ đó”.
Một quan chức của Bộ Thông tin và Truyền thông khi trao đổi với VnExpress.net cũng nhìn nhận các “chiêu” mà Beeline đang làm thực chất các mạng di động khác đã áp dụng từ khi gia nhập thị trường. Trong bối cảnh thị trường đang dần bão hòa thì giá cước vẫn là chiêu bài cạnh tranh hiệu quả và đơn giản nhất.
Theo quy định, Bộ chỉ quản lý giá cước đối với các doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế còn Beeline hay Vietnamobile mới gia nhập thị trường, thậm chí là S-Fone với thị phần quá nhỏ nên chưa bị quản lý về giá. “Quan điểm của chúng tôi là đã cấp phép thì phải để cho doanh nghiệp tồn tại và thị trường tự đào thải. Doanh nghiệp được toàn quyền cạnh tranh nhau miễn là không vi phạm các quy định của luật pháp”, ông nói.
Dự kiến, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có cuộc họp với các doanh nghiệp về các vấn đề nêu trên vào thứ 6 tới.
Hồng Anh
Nguồn: gteltsc.vn
Bài viết cùng chủ đề
-
Cách đăng xuất Telegram trên máy tính và điện thoại nhanh chóng
-
Các chương trình diệt virus hữu ích cho máy tính năm 2024
-
TẢN MẠN VỀ STRUTS2 OGNL INJECTION VÀ MỘT CASE XSS
-
Cách tạo bình chọn nhóm chat Zalo điện thoại
-
Cách tải video Facebook về máy tính nhanh nhất không cần phần mềm
-
Những mật khẩu số khó đoán giúp bạn bảo vệ tài khoản
Chia sẻ ý kiến của bạn
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.