Mạng di động thứ 7-GTel bắt đầu hoạt động: “Cú sốc” viễn thông mới
(HNM) – Sự kiện mạng di động Beeline của Công ty CP Viễn thông Toàn cầu (GTel Mobile) giới thiệu gói cước Big Zero, trong đó miễn phí cuộc gọi từ phút thứ 2 trở đi, được coi là “cú sốc” trên thị trường thông tin di động, khi trực tiếp cạnh tranh với các nhà cung cấp dịch vụ lớn, nhỏ của ngành viễn thông. Một trong 3 “đại gia” di động đã có cuộc họp tính tới chuyện doanh thu năm 2009 giảm đi gần nửa so với kế hoạch…
Thực tế, từ cuối tháng 6, GTel Mobile đã có chiến dịch quảng cáo rầm rộ trên các phương tiện thông tin đại chúng đến các khẩu hiệu, băng rôn… giăng ngoài phố. Beeline đưa ra gói cước “Big Zero”: cước nội mạng là 1.199 đồng/phút; miễn phí gọi nội mạng từ phút thứ 2 trở đi, mỗi cuộc gọi không quá 20 phút và không giới hạn cuộc gọi trong ngày; cước gọi ngoại mạng là 1.199 đồng/phút, cuộc gọi tính theo block 6 giây + 1… Như vậy, thực chất của cuộc gọi ví như con số 0 này là: gọi nhiều (đến 20 phút) nhưng chỉ tính tiền một phút. Theo cách tính này, với khách hàng thực hiện cuộc gọi kéo dài trong 20 phút (như quy định), giá cước trở thành siêu rẻ với 60 đồng/phút và với một cuộc gọi trung bình trong 5 phút, giá cước sẽ là 240 đồng/phút – giá vẫn rẻ nhất trong các mạng di động hiện nay (Viettel là 990 đồng/phút; Mobifone và Vinaphone là 980 đồng/phút). Với mức giá hấp dẫn như vậy, Big Zero sẽ đem lại lợi ích lớn đối với người dùng di động, nhất là giới trẻ và những người có nhu cầu liên lạc cao… Chỉ cần chất lượng cuộc gọi tốt, bảo đảm nhà mạng này sẽ “hút” khách hàng đến với mình nhanh chóng!
Đem đến quyền lợi lớn cho khách hàng, nhưng đồng thời gói cước Big Zero và GTel cũng có thể khiến các nhà cung cấp dịch vụ di động chiếm thị phần khống chế bị mất thị phần, giảm doanh thu, giảm lợi nhuận và các nhà mạng nhỏ hơn có thể phá sản! Được biết, ngay sau khi GTel đưa ra gói Big Zero, ban lãnh đạo của Viettel đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp, trong đó tính đến phương án doanh thu năm 2009 giảm gần một nửa so với kế hoạch (theo kế hoạch cũ Viettel phấn đấu đạt 60 nghìn tỷ đồng, trong đó di động chiếm 70% doanh thu). Nhưng đó mới là chuyện các “đại gia” di động bị ảnh hưởng, thực tế Big Zero còn được dự báo là sẽ có tác động không nhỏ tới dịch vụ điện thoại cố định, mà cụ thể ở đây là gọi đường dài. Vì khi khách hàng sử dụng Big Zero chỉ với 1.199 đồng cho cuộc gọi không quá 20 phút – là quá rẻ so với gọi đường dài hiện nay (990 đồng/phút), tất nhiên với điều kiện cả người gọi và người nghe đều sử dụng Beeline…
Một chuyên gia trong ngành từng có dịp nghiên cứu về thị trường viễn thông nước ngoài kể lại bài học kinh nghiệm tại một nước trong khu vực, khi đó nước bạn cũng có một nhà cung cấp mới hoạt động và họ chỉ cần đầu tư 50.000 USD vào hạ tầng mạng lưới đã khiến cho một liên doanh viễn thông lớn đã hoạt động có lượng thuê bao lớn nhất (gồm những tên tuổi lớn trên thế giới) mặc dù đã đầu tư hạ tầng 2 triệu USD phải bán lại thương hiệu. Lý do mà liên doanh lớn của nước ngoài đó “gục ngã” là không chịu đựng được gói cước kiểu như Big Zero… Câu hỏi đặt ra, liệu cả 3 “đại gia” di động của nước ta có bị tác động như câu chuyện cạnh tranh trên thị trường viễn thông nước bạn? Với vai trò quản lý nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp gì để vừa bảo đảm sự phát triển của các doanh nghiệp, đồng thời không gây ra tác động xấu tới thị trường viễn thông?
Nguồn: gteltsc.vn
Bài viết cùng chủ đề
-
CẤU TRÚC HỆ THỐNG GIAO THÔNG THÔNG MINH VÀ CÁC NGUY CƠ AN NINH MẠNG
-
Cách tạo bình chọn nhóm chat Zalo điện thoại
-
Cách xem lịch sử đăng nhập Zalo trên điện thoại
-
Cách đăng xuất Telegram trên máy tính và điện thoại nhanh chóng
-
PHÁT TRIỂN CÔNG CỤ TỰ ĐỘNG CHUYỂN ĐỔI SIGMA RULE SANG QRADAR CUSTOM RULE VỚI PYSIGMA
-
GIAO THỨC IEC-104 VÀ VẤN ĐỀ BẢO MẬT
Chia sẻ ý kiến của bạn
Bạn phải đăng nhập để gửi bình luận.